Rau má có tên khoa học là Centella asiatica, mọc nhiều ở các nước châu Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Việt Nam…Theo từ điển bách khoa dược học, rau má có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt, sốt, sởi, vàng da, vàng mắt, giãn tĩnh mạch, thiểu năng tĩnh mạch chi dưới…Ở Ấn Độ, rau má được sử dụng để thanh lọc máu và trị bênh. Còn tại Sri Lanka, do thấy voi hay ăn rau má nên người ta cho rằng rau má có thể làm tăng tuổi thọ. Đông y thường dùng rau má để trị chứng trầm cảm. Còn Tây y, vào giữa thế kỷ XX, đã dùng rau má và cồn chiết xuất của nó để trị liệu bệnh phong.
Công dụng trị bệnh:
Rau má được dùng để hạ huyết áp, cải thiện trí nhớ và tăng tuổi thọ, làm máu lưu thông tốt hơn, nhất là ở tĩnh mạch và mao mạch, có tác dụng lợi tiểu nhẹ. Khi bị viêm tấy hoặc bị bỏng, đắp rau má lên da cũng có hiệu quả.
- Làm lành các vết thương: Đây là tác dụng của Asiaticoside, hoạt chất chính của rau má. Tác dụng này được phát triển từ chiến tranh thế giới thứ II. Từ đó đến nay nhiều công trình nghiên cứu lâm sang ủng hộ ý kiến cho rằng rau má có tác dụng trên một số tế bào biểu bì, kích thích sự sừng hóa và làm lành vết thương. Rau má còn có tác dụng bảo vệ lớp áo trong của mạch máu.
- Điều trị giãn tĩnh mạch: Dùng thuốc rau má có kết quả tốt đối với vi tuần hoàn và mao mạch, điều trị tăng áp lực tĩnh mạch.
- Bảo vệ thần kinh: một công trình nghiên cứu năm 1999 cho biết, các dẫn xuất của chất asiaticoside có khả năng bảo vệ thần kinh chống lại độc tố thần kinh beta-amyloid. 3 trong số 28 dẫn xuất Asiaticoside có thể được đưa vào nghiên cứu điều trị bệnh Alzheimer nhờ khả năng bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi tác động của beta-amyloid.
Ngoài ra rau má còn có tác dụng chống loét dạ dày, làm chậm phát triển u ( khi thử nghiệm trên chuột ), kháng virút và kháng nấm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét